5 điều bạn cần biết trước khi chơi Keycap bàn phím cơ

2016-12-16 15:43:50


Biết được nhiều về các loại keycap có thể giúp bạn hiểu rõ chất lượng thực sự và so sánh với giá cả, để khi mua bàn phím bạn có cái nhìn tổng quát hơn ngoài kiểu dáng mẫu mã – nhãn hiệu và switch.

Keycap chính là phím trên bàn phím, keycap cũng có nhiều loại từ chất liệu nhựa khác nhau cho đến cách thức in ký tự lên bề mặt. Biết được nhiều về các loại keycap có thể giúp bạn hiểu rõ chất lượng thực sự và so sánh với giá cả, để khi mua bàn phím bạn có cái nhìn tổng quát hơn ngoài kiểu dáng mẫu mã - nhãn hiệu và switch.

Chất liệu

Hầu hết keycap đều được sản xuất bằng phương pháp đúc khuôn. Phương pháp này được thực hiện bằng cách nung chảy chất liệu nhựa, sau đó bơm áp suất vào khuôn bằng thép rồi để nguội. Tùy vào chất liệu nhựa khác nhau mà thành phẩm sẽ co lại nhiều hay ít khi nguội hẳn.

Nhựa ABS



Nhựa ABS (Acrylonitrile Butadiene Styrene) có tính đàn hồi cao và co lại ít nhất trong các loại nhựa khi đúc khuôn. Sản phẩm của Filco và Das Keyboard đều sử dụng nhựa ABS, bạn có thể cảm nhận bằng mắt và sờ để nhận biết loại nhựa này, nó cho bạn cảm giác chắc chắn và xịn. Một ví dụ đơn giản khác của nhựa ABS đó là gạch Lego, rất trâu bò. Keycaps ABS khi gõ sẽ nghe tiếng trong trẻo theo kiểu *tách tách* hoặc *click click*

Ưu điểm: rất trâu bò, bền và rất khó vỡ

Khuyết điểm: bề mặt sẽ trở nên bóng khi sử dụng lâu, bị ngả vàng khi tiếp xúc nhiều với ánh nắng (vì có tia cực tím)

Nhựa PBT



Nhựa PBT (Polybutylene Terephtalate) cứng hơn ABS, có bề mặt nhám hơn một chút, co lại nhiều hơn khi đúc khuôn nên chỉ có các hãng như Cherry – Poker – Leopold và một số hãng khác sử dụng. Keycaps PBT khi gõ sẽ nghe tiếng đục và *bụp bụp*. Hầu hết các sản phẩm tầm trung trở xuống như các bàn phím membrane thì sử dụng nhựa PBT cho keycaps là chính còn khung bàn phím thì có thể sử dụng cả PBT hoặc ABS.

Ưu điểm: không bị bóng hay ngả vàng khi sử dụng lâu

Khuyết điểm: chất liệu nhựa giòn nên dễ vỡ

Nhựa PC



Nhựa PC (Polycarbonate) là loại nhựa trong suốt, khá cứng, đa số được sử dụng cho các bàn phím có đèn LED. Không phổ biến bằng PBT và ABS. Nhựa PC có thể được sản xuất riêng thành keycaps hoặc trộn với chất liệu khác thành ABS-PC.

Ưu điểm: đẹp, bền ngang ngửa keycaps ABS, không ngả vàng

Khuyết điểm: hơi hiếm

Nhựa POM



Nhựa POM (Polyoxymethylene) có độ chống chịu rất đã, chống trầy xước – chống hóa chất tẩy rửa. Thuộc dạng nguyên liệu cao cấp và có phần hơi sang chảnh nên ít nhà sản xuất chọn loại nhựa này để làm keycaps, chỉ có những hãng thích độc quyền và một cái gì đó gọi là keycaps có chất lượng đẳng cấp mới dám đem về kinh doanh.

Ưu điểm: chống trầy, không bị tác động mạnh bởi hóa chất tẩy rửa 

Khuyết điểm: giá thành cao, độ bám bề mặt ít nên có cảm giác trơn trượt

Nhựa PVC

Nhựa PVC (Polyvinyl Chloride) khá cứng, được sử dụng để sản xuất keycaps là chính chứ không sản xuất khung bàn phím. Độ phổ biến đứng sau nhựa ABS, được các hãng lớn như Logitech – Dell – HP và nhiều ông lớn khác sử dụng. Nhựa PVC có độ cứng và độ bám trung bình nhưng khá nhạy cảm với nhiệt độ.

Ưu điểm: cứng, khá bền

Khuyết điểm: dễ bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao

Kim loại



Kim loại sử dụng chủ yếu hiện nay là nhôm và kẽm, kim loại thì tốn chi phí gia công hơn nhưng bù lại thành phẩm đẹp và lung linh hơn nhiều. Không chỉ in hình đủ thứ keycaps kim loại còn có thể tạo những loại hình nổi bật ra khỏi bề mặt làm cho bàn phím vừa độc vừa đẹp.

Ưu điểm: đẹp, bền, nhiều mẫu mã

Khuyết điểm: mắc tiền, ồn khi gõ mạnh

Phương pháp tạo kí tự trên keycaps



Kí tự trên keycap cũng là một yếu tố quyết định chất lượng của cả bàn phím, không cần biết bạn sử dụng bàn phím nhiều đến cỡ nào nhưng khi thấy bị bay mất chữ hay số là cảm thấy giống bàn phím rẻ tiền. Tuy có nhiều loại nhựa nhưng đa số các bàn phím hiện nay đều sử dụng nhựa ABS và PBT là chủ yếu để tiện cho việc in ấn khắc kí tự các kiểu.

Pad Printing

Đây là kĩ thuật in ký tự cơ bản cũng như phổ biến nhất cho tất cả bàn phím từ rẻ tiền cho đến mắc tiền nhưng một số hãng có thể thay đổi đôi chút để tăng cường độ bền để các kí tự không bị phai, nhưng về mặt cơ bản vẫn là lấy kí tự có sẵn (trên một tờ giấy in chẳng hạn) đặt lên bàn phím rồi in thẳng lên keycaps sau đó thêm vài lớp bảo quản sau khi in.

Sublimated Dying



Gọi nôm na là nhuộm keycaps, mực in sẽ đi xuyên qua bề mặt keycap khoảng 0.001 inch bằng cách sử dụng lực và nhiệt độ cao, người ta thường sử dụng cách này trên keycaps PBT vì nó chịu được nhiệt. Phương pháp này tương tự như lúc bạn đi in hình trên ly sứ vậy.

Laser Printing

Foaming: tia laser sẽ tạo một lớp mỏng những bong bóng nhỏ li ti trên keycaps để vẽ thành kí tự. Những bong bóng này có bề mặt thô ráp rất dễ bám bụi và ngả màu.

Laser etching: đơn giản là tia laser sẽ đốt cháy nhựa ở một độ sâu vừa phải, phần nhựa bị cháy sẽ tạo thành kí tự luôn. Phương pháp này thường sử dụng trên keycaps màu trắng.

Laser etching with paint fill: giống như phương pháp bên trên nhưng sau khi khắc xong, màu sẽ được đổ vào vị trí đã khắc. Kĩ thuật này áp dụng được trên keycaps màu đen và nhiều màu khác nữa.

Laser engraving: keycaps trong suốt sẽ được sơn một lớp sơn UV (tia cực tím) màu đen, sau đó tia laser sẽ làm bay màu trên keycaps làm lộ ra phần trong suốt để tạo thành kí tự. Đây là cách để tạo ra keycaps backlit dùng cho các bàn phím có đèn.

Double Shot



Phương pháp này hơi tốn kém nhưng cũng xịn nhất. Kecaps sẽ có 2 lớp nhựa, lớp thứ nhất là kí tự, lớp thứ 2 là màu keycaps, nhờ vậy mà keycaps vừa dày – chắn chắn vừa bảo đảm rằng kí tự sẽ không bao giờ phai. Double-shot còn áp dụng được cho cả keycaps backlit bằng cách thay lớp thứ nhất bằng nhựa trong suốt, nhưng ánh sáng xuyên qua sẽ không được rực rỡ lắm vì nhựa dày, bù lại chất lượng thì trên cả tuyệt vời.

Switch và chân keycaps



Đa số hiện nay các keycaps và ngay cả bàn phím được bán ra đều đi theo Cherry, nếu bạn đang có một bàn phím sử dụng switch Cherry thì việc đi ra ngoài tìm bộ keycaps cùng hãng thì quá là đơn giản. Nhưng khi sử dụng những loại hiếm hay không được ưa chuộng thì bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng, tìm kiếm chân keycaps thích hợp để gắn được vào loại switch mình đang sử dụng.

Keyboard layout

Đây là cách bố trí keycaps trên bàn phím của bạn, tùy loại – nhãn hiệu – nơi sản xuất mà cách bố trí sẽ khác nhau. Đây cũng là yếu tố tối quan trọng ngoài việc kiểm tra switch có phù hợp với keycaps không, vì nếu bạn mua một bộ keycaps mới, gắn vừa tất cả mà tới phím Enter thì nhét không vừa kiểu dáng của nó khác với cái bạn đang xài.

ANSI 101



ANSI



TKL



ISO 102



ISO



Asian 101




Asian 102



Focus




Tất cả bàn phím hiện nay đều có 2 phím Window và 1 phím Menu nên bạn không cần lo vụ này, mọi bộ keycaps đều có đầy đủ phím. Chỉ khi không có hình sản phẩm thì bạn mới cần tham khảo layout bàn phím thôi.

Keyboard profile

Vấn đề nhức đầu thứ hai là hình dáng của keycaps, tùy theo loại bàn phím hay thiết kế riêng của nhà sản xuất mà keycaps lẫn hàng phím sẽ khác nhau.



Curved backplane: góc của các phím so với chân giống nhau, thân bàn phím sẽ hơi cong, đa số là các bàn phím membrane thời xưa.

Contoured keys: góc của các phím so với chân khác nhau hoàn toàn ở mỗi hàng ngang phím, thân bàn phím thẳng, thường thấy ở các bàn phím cơ.

Staircase: góc của các phím so với chân giống nhau, thân bàn phím thẳng hoặc hơi song song với mặt bàn. Đây là loại phổ biến nhất, giờ ra đâu cũng gặp từ bàn phím membrane cho tới bàn phím cơ.

Flat: các phím thẳng đứng so với chân, bàn phím thì thẳng và song song với mặt bàn, phím spacebar có thể hơi lồi lên một chút, thuộc dạng hàng hiếm.

Chiclet: phím dẹp và song song với mặt bàn, đây là loại dành riêng cho bàn phím laptop, nhưng cũng có trường hợp ngoại lệ là bàn phím của Apple.

Theo hiepsibaotap

Bàn phím cơKeycap

Các tin liên quan